Dứt họ Mạc ở Cao Bằng Đinh_Văn_Tả

Họ Mạc dựa vào nhà Minh, nhiều năm chiếm cứ Cao Bằng. Nhà Minh mất (1644), các hoàng thân nhà Minh tiếp tục dựng chính quyền Nam Minh để chống Mãn Thanh tới năm 1662. Nhà Mạc dựa vào uy thế của các vua Nam Minh nên tiếp tục trấn giữ Cao Bằng. Vua Lê và chúa Trịnh không trừ được. Khi nhà Nam Minh mất, Mạc Kính Vũ lại thần phục nhà Thanh nên tiếp tục duy trì trấn giữ Cao Bằng.

Tháng 9 năm 1667, chúa Trịnh Tạc mang quân đánh Cao Bằng, Đinh Văn Tả làm đốc suất[2]. Quân Mạc thua chạy vào vùng Miên Khâu, Châu Lăng hiểm trở. Đinh Văn Tả mang quân truy kích đến nơi, bắt được 800 quân Mạc. Mạc Kính Vũ bỏ chạy sang Trung Quốc.

Đinh Văn Tả nhờ công đó được phong làm Lộc quận công[2]. Tháng 2 năm 1668, chúa Trịnh cử ông làm kiêm trấn thủ châu Thất Tuyền (Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên)[2]. Đến tháng 6 năm đó, ông được gia phong làm tả đô đốc. Tháng 10 năm 1674 ông được phong Thiếu bảo[3].

Mạc Kính Vũ nhờ đút lót cho nhà Thanh nên lại trở về Cao Bằng. Năm 1673, tướng nhà Thanh trấn thủ Vân Nam là Ngô Tam Quế phản nhà Thanh. Chiến tranh giữa Ngô Tam Quế và nhà Thanh nổ ra. Cả hai bên cùng sai sứ sang yêu cầu Đại Việt trợ lực. Vua Lê Gia Tông, chúa Trịnh Tạc khước từ không theo Ngô Tam Quế, còn Mạc Kính Vũ ngả theo Tam Quế. Nhà Thanh thấy Mạc Kính Vũ ngả theo Ngô Tam Quế nên không hậu thuẫn nữa.

Đầu năm 1677, chúa Trịnh bèn đưa thư cho tướng nhà Thanh là Lại Tháp Lị, kể rõ tội trạng Kính Vũ; rồi sai Đinh Văn Tả cùng Nguyễn Hữu Đăng đem quân đi đánh[4]. Năm đó ông đã 76 tuổi.

Tháng 8 năm 1677, Đinh Văn Tả tiến quân đánh tan Kính Vũ một lần nữa ở Cao Bằng. Ông thân đốc các tướng 4 mặt đánh thành, phá vỡ quân địch, chém được mấy trăm quân Mạc. Mạc Kính Vũ bị thua trận, thủ hạ đều tan vỡ, chạy sang Long Châu (Trung Quốc). Từ đó Kính Vũ không trở về Cao Bằng được nữa, đất này trở về với nhà Hậu Lê[4].

Chúa Trịnh thấy Đinh Văn Tả tuổi cao, liền triệu ông về kinh, giao cho Đặng Công Chất thay ông trấn thủ Cao Bằng[4].

Vì có nhiều công lao, Đinh Văn Tả được gia phong làm thượng tể, ban cho ruộng 300 mẫu.

Ngày 4 tháng 5 âm lịch năm 1685, Đinh Văn Tả mất ở kinh đô Thăng Long, hưởng thọ 84 tuổi.

Vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn tới viếng, sai Bộ Lễ về nguyên quán hộ tang, chôn cất theo lễ vương giả, ban thụy hiệu là Vũ Dũng.

Ông được chôn cất ở quê nhà Hàm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương). Chúa Trịnh Căn tặng ông đôi câu đối:

Tiết việt quyền long triều túc tướngPhiên toàn trách trọng quốc nguyên huân

Hiện nay ở thành phố Hải Dương có phố mang tên Đinh Văn Tả.